PHÁP
-
Series Lịch sử Tiền tệ #LSTT thế giới IV: Pháp - Franc
Nước Pháp với dân số 24 triệu người vào giữa thế kỷ XVIII, là miền đất giàu có và đông dân bậc nhất Châu Âu bấy giờ. Kinh đô của nước Pháp - Paris rộng gấp hai lần Amsterdam. Tiền vàng của nước Pháp được lưu hành khắp châu Âu và chiếm một nửa số lượng ngoại tệ giao dịch, trong khi lượng hàng hóa xuất cảng từ Pháp qua các nước châu Âu khác lớn hơn nhiều lượng hàng hóa từ nước Anh.
Khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tập trung chống các đội quân “cướp biển” của hải quân hoàng gia Anh, sự suy yếu của Hà Lan trước cả hải quân Anh và Pháp, thì nước Pháp nhân cơ hội này đã vươn lên vị trí siêu cường Châu Âu. Trong khoảng thời gian từ năm 1720 đến năm 1815, nước Pháp đóng vai trò quan trọng trên cục diện chính trị quốc tế, ảnh hưởng sâu sắc tới các nước khác như Hà Lan, Ireland, Ba Lan, Ý,... và là trung tâm của các phong trào trí thức.
Khoa học của nước Pháp đã dẫn đầu thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn hóa và chính trị đều được viết bằng tiếng Pháp, và được các nhà trí thức thuộc nhiều quốc gia tìm đọc và các ý tưởng, sáng kiến, phát minh của người Pháp được các dân tộc khác trên thế giới theo dõi và bắt chước. Tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ quốc tế, dùng cho các nhà trí thức và giới quý tộc của nhiều quốc gia tại châu Âu.
Có thể chia thời kỳ trên đỉnh thế giới của nước Pháp làm 2 giai đoạn: giai đoạn I từ khoảng 1720 - 1789, giai đoạn II từ 1799 - 1815.
Ở giai đoạn I, Pháp vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế đứng đầu là nhà vua cùng 3 tầng lớp tăng lữ, quý tộc và dân chúng. Các tăng lữ, quý tộc nắm giữ mọi của cải và đặc quyền đặc lợi trong xã hội. Dân chúng bao gồm tầng lớp tư sản mới, nông dân, bình dân thành thị phải chịu thuế và rất nhiều áp bức, ko có quyền lợi chính trị.
Từ đó nổ ra các cuộc cách mạng với kết thúc là Hoàng đế Napoleon lên ngôi năm 1804. Từ giai đoạn này, Pháp chuyển biến thành quốc gia có Chủ nghĩa Tư bản hiện đại (do giai cấp Tư sản lãnh đạo). Hoàng đế Napoleon sau đó tăng cường chinh phạt các quốc gia láng giềng, tạo ra 1 đế quốc Pháp trải rộng khắp miền tây và trung Âu, cùng với rất nhiều thuộc địa trên khắp thế giới từ châu Mỹ, châu Phi, Ấn Độ,...
Napoléon và chính quyền mới đã nghĩ ra rất nhiều cải cách hữu ích kể cả việc thiết lập nên một chính quyền trung ương vững mạnh, hữu hiệu, đã duyệt xét lại và tổ chức lại hệ thống luật pháp của nước Pháp thành bộ luật hữu lý. Nhiều công trình cải tiến hành chính của Napoléon vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay trong các cơ chế chính quyền của nước Pháp và tại các quốc gia theo ảnh hưởng và văn minh Pháp trong đó tất nhiên cả Việt Nam ta. Tới khi Napoléon thua trong trận Waterloo nổi tiếng năm 1815 trước liên quân Anh – Phổ (tiền thân nước Đức) thì nước Pháp mất vị trí siêu cường vào tay nước Anh.